Phải hiểu sâu sắc văn hóa nông thôn mới có thể tạo ra thiết kế dành cho người dân địa phương

Cuộc thi Thiết kế kiến trúc: “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” là một chương trình có đề tài mới lạ, độc đáo, với mục đích nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn. Để có cái nhìn rõ hơn về cuộc thi, TCKT xin gửi đến độc giả một số chia sẻ của PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi – Thành viên Hội đồng Giám khảo cuộc thi.

 

 

PV: Cuộc thi mang tính phát triển kiến trúc cộng đồng, nhất là vùng nông thôn Việt Nam. Ông sẽ xác định các tiêu chí chấm chọn như thế nào đối với vai trò là thành viên Hội đồng Giám khảo của cuộc thi?

KTS. Nguyễn Đình Thi: Tôi quan tâm đến 05 tiêu chí khi lựa chọn phương án kiến trúc như sau:

Thứ nhất: Không gian và hình thức kiến trúc phải phù hợp với giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống và thích ứng với điều kiện khí hậu đặc trưng của mỗi vùng miền, đặc biệt không gian kiến trúc phải đáp ứng điều kiện ăn ở, sinh hoạt và khả năng kết hợp với nhu cầu sản xuất kinh tế nông nghiệp phù hợp với mỗi hộ gia đình;

Thứ hai: Khai thác tối đa khả năng chiếu sáng và thông gió tự nhiên trong nhà ở;

Thứ ba: Có khả năng sử dụng công nghệ thi công thích hợp, nghĩa là có khả năng kết hợp giữa thi công truyền thống (xây dựng thủ công bằng các phương tiện thô sơ) và hiện đại (xây dựng có sự hỗ trợ của thiết bị thi công hiện đại);

Thứ tư: Tăng cường sử dụng vật liệu địa phương, vật liệu mới, vật liệu thân thiện với môi trường;

Thứ năm: Giải pháp kết cấu dễ dàng vận chuyển và dễ tháo lắp khi xây dựng nhà ở cho người dân.

PV: Ông đánh giá như thế nào về việc ứng dụng vật liệu mới vào các công trình xây dựng nói chung và những mẫu thiết kế trong cuộc thi?

KTS. Nguyễn Đình Thi: Mặc dù tôi vừa nói đến một tiêu chí ở trên là quan tâm đến việc khai thác sử dụng vật liệu sẵn có của địa phương, tuy nhiên cũng cần phải nói không phải vật liệu nào sẵn có cũng có thể đáp ứng khả năng thiết kế và thi công xây dựng nhà ở theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiện nghi, linh hoạt và thích ứng trong điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn tại địa phương. Vì vậy, việc ứng dụng vật liệu mới, vật liệu tái tạo có khả năng chịu lực tốt nhưng có trọng lượng nhẹ, dễ tái sử dụng, dễ vận chuyển, dễ tháo lắp bằng thủ công khi xây dựng nhà ở nông thôn đều rất thích hợp với người dân. Do đó, trong cuộc thi này chúng tôi cũng sẽ đánh giá rất cao những tác phẩm dự thi có sáng tạo trong việc sử dụng các vật liệu mới trong thiết kế công trình kiến trúc nhà ở nông thôn./.

 PV: Trân trọng cảm ơn Ông.

 

THÔNG TIN GIÁM KHẢO
  • Họ và tên: Nguyễn Đình Thi
  • Nghề nghiệp, chức vụ hiện tại: Trưởng phòng Đào tạo – Trưởng bộ môn Lý thuyết và Lịch sử Kiến trúc – ĐH Xây dựng
  • Học hàm, học vị: Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư
  • Thành tựu: Bằng Sáng tạo của HKTSVN năm 1994; Giải thưởng của HKTSVN năm 2001; 2003; Giải thưởng kiến trúc quốc gia năm 2012

Nguồn:https://www.tapchikientruc.com.vn/cuoc-thi/phai-hieu-sau-sac-van-hoa-nong-thon-moi-co-the-tao-ra-thiet-ke-danh-cho-nguoi-dan-dia-phuong.html?fbclid=IwAR3xLxUn4KzRC4kMyd_2-SIIzcA_ja9I1IEP2MitYgpKfbMMy1iMK-e6n_k