KS Trịnh Anh Đức: “Cuộc thi sẽ khuyến khích người dân xử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường”

Cuộc thi Thiết kế kiến trúc: “Chung tay kiến tạo Nhà ở nông thôn Việt Nam” là một sân chơi hỗ trợ sự   sáng tạo, thiết kế nhà ở phù hợp với từng vùng miền, ứng dụng các giải pháp xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, mà vẫn giữ được nét đặc trưng văn hóa địa phương. Hãy cùng tìm hiểu thêm về cuộc thi qua những chia sẻ của KS Trịnh Anh Đức qua bài phỏng vấn dưới đây. 

 

PV: Với vai trò là một thành viên của Hội đồng Giám khảo, Ông kỳ vọng như thế nào về cuộc thi này?

KS. Trịnh Anh Đức: Trước hết xin cảm ơn BBT TCKT đã  cho tôi cơ hội bày tỏ  ý kiến của mình về cuộc thi  “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn” rất ý nghĩa này.  Cá nhân tôi thực sự mong muốn cuộc thi sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân (đạc biệt là ở vùng quê) khi họ  quyết định xây dựng căn nhà mơ ước của mình. Chẳng hạn như họ sẽ có một địa chỉ tin cậy  & uy tín  (như diễn đàn của Hội KTS Việt nam;  Diển đàn Mái Đẹp Nhà Sang,…) để  dễ dàng  tìm kiếm những mẫu nhà đẹp, bố trí không gian hợp lý, chi phí xây dựng phù hợp.  Các thiết kếchúng tôi kỳ vọng sẽ tận dụng hiệu quả ánh sáng  và thông gió tự nhiên,  qua đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.  Bên cạnh đó  từng bước khuyến khích người dân xử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và nếu vật liệu sẵn có tại địa phương thì càng tốt. Vật liệu thân thiện môi trường ở đây được hiểu là vật liệu  được sản xuất bằng công nghệ tiêu tốn ít năng lượng,  quá trình sản xuất  vật liệu dùng ít năng lượng nhất hay còn gọi là  giảm phát thải khí  CO2  ra môi trường ở mức độ thấp.  Vật liệu thân thiện với môi trường là vật liệu có tuổi thọ lâu bền,  ví dụ 20 năm hoặc lâu hơn, tùy thuộc theo mong muốn của chủ đầu tư  và  khi hết vòng đời xử dụng thì nó có thể được tận dụng lại hoặc  dễ dàng được tái chế,  không xả thải ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước & đất –  ảnh hưởng đến chất lượng sống của cộng đồng.  Tôi cũng  kỳ vọng rằng cuộc thi dưới  sự bảo trợ của hội KTS Việt Nam cùng với sự  hưởng ứng của các Hội KTS ở  khắp các mọi miền  sẽ là sự khởi đầu thành công cho việc góp phần làm  thay đổi bộ mặt nhà ở nông thôn hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng cho các vùng miền.

PV: Quan điểm của Ông về nhà ở và không gian ở hiện đại? Văn hóa ở hiện đại đã tác động như thế nào đến tư duy thiết kế của KTS?

KS. Trịnh Anh Đức: Chuyên ngành kiến trúc sẽ có quan điểm chính thống về không gian ở hiện đại,  tuy nhiên  theo chủ quan của tôi, KTS trong thời đại nay ngày càng chú trọng nhiều vào thiết kế không gian “mở”- một không gian dễ dàng kết nối với các không gian xung quanh, có tính linh hoạt để thay đổi  phù hợp với nhịp  sống hiện đại. Ngày nay các tiện ích sống hiện đại  rất  dễ dàng thâm nhập trong cuộc sống kể cả ở thành thị lẫn nông thôn,  do đó theo tôi không gian  sống hiện đại cần tính đến các phương tiện,  trang thiết bị như:  internet,  các thiết bị điện và điện tử  kỹ thuật số áp dụng công nghệ thông minh để giúp cải thiện chất lượng sống & làm việc  của người dân qua đó thu hẹp khoảng cách chất lượng sống giữa thành thị và nông thôn.  Biết đâu đến một thời điểm nào đó trong tương lai gần,  tỷ lệ người sống ở vùng nông thôn  hoặc ngoại ô thành phố sẽ tăng lên đáng kể,  con người ta sẽ ưu tiên chọn sống trong môi trường trong lành, ít khói bụi  & ồn ào của xe cộ  nhưng vẫn có thể làm những công việc mà hiện nay họ phải chấp nhận sống gần trung tâm để thuận lợi cho việc di chuyển tới các công sở  và các tiện ích cho sinh hoạt gia đình.

PV: Cuộc thi chia làm 4 thể loại theo vùng miền: Miền Bắc, Trung, Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Theo Ông yếu tố văn hóa vùng miền có vai trò gì trong cuộc thi “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam”?

KS. Trịnh Anh Đức: Yếu tố văn hóa vùng miền sẽ là một tiêu chí quan trọng cho việc đánh giá để lựa  các bài thi chất lượng  chọn ra bài thi  thật xuất sắc đại diện cho  vùng miền đó.

PV: Ông đánh giá như thế nào về việc ứng dụng vật liệu mới vào các công trình xây dựng nói chung và những mẫu thiết kế trong cuộc thi?

KS. Trịnh Anh Đức: Xu thế trên thế giới hiện nay là dùng các vật liệu mới bền vững và ở Việt nam cũng vậy, vật liệu mới  bao gồm cả các giải pháp dùng vật liệu  ví dụ như Thanh kèo ZACS (có mặt trên thị trường Việt nam khoảng 15 năm nay)  dùng vật liệu tôn ZACS lạnh  của BlueScope  với những  ưu điểm vượt trội: trọng lượng nhẹ, tuổi thọ lâu bền,  dễ thiết kế và lắp dựng, không cần bảo trì.  Các vật liệu về cách âm cách nhiệt cho hệ mái và vách  như bông thủy tinh – rockwool,  rock wool, air bubble, PU, XPS  .. là những vật liệu mới trở nên phổ biến hiện nay trong công trình xây dựng nói chung. Tuy nhiên việc ứng dụng các vật liệu này trong thị trường dân dụng chưa phổ biến và người sử dụng chưa có kiến thức đầy đủ về sản phẩm chất lượng tốt như  khả năng chống cháy, khả năng cách âm, v.v …  dẫn đến nhiều rủi ro về vật chất cũng như tính mạng con người khi dùng vật liệu kém chất lượng không đạt tiêu chuẩn về chống cháy.  Để giúp cho người dân hiểu hơn về vật liệu chúng ta rất cần các Kiến trúc sư có chỉ dẫn kèm theo tiêu chuẩn kỹ thuật của vật liệu trong hồ sơ thiết kế công trình nói chung.  Tôi hy vọng cuộc thi này sẽ  cổ vũ cho việc ứng dụng vật liệu mới vào trong công trình và góp phần nâng cao chất lượng sống người dân nông thôn.

 

PV: Trân trọng cảm ơn Ông.